Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 1
Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 1 là một bài viết trong loạt bài viết Bàn về tâm Pháp Nhất Nam của Võ Sư Trịnh Hồng Minh hiện ông đang là chủ nhiệm câu lạc bộ Võ thuật Nhất Nam Thăng Long là CLB Võ thuật Nhất Nam của Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Thăng Long Tp Hà nội.
Bàn về tâm pháp Nhất Nam kỳ 1
Tôi có nói chuyện với nhiều em môn sinh Nhất Nam và thấy nhiều người còn thắc mắc về Tâm pháp Nhất Nam có nhiều điểm khó hiểu.
Về Tâm pháp và Phương pháp tập luyện Đại Sư phụ đã viết và giải thích rõ ràng, nôm na dễ hiểu ở phần đầu của Nhất Nam căn bản quyển 1.
Song có lẽ là do đa phần các em chưa có sách để đọc, và lối học trên CLB 1 tuần vài buổi ko cho phép các võ sư và HLV giảng nhiều, giảng kỹ về vấn đề này.

Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 1 – Ảnh 1
Bắt đầu từ hôm nay Tôi sẽ đăng bài viết lý giải về Tâm pháp và Phương pháp tập luyện Nhất Nam để các em tham khảo.
Từ cách lý giải của Đại Sư phụ và những điều Tôi ngộ ra trong quá trình học hỏi võ thuật Nhất Nam, Tôi sẽ cố gắng trình bày một cách đơn giản nhất, nếu còn gì vẫn chưa hiểu, các em hãy cùng tranh luận và đặt câu hỏi, tôi sẽ giải đáp.
Mong rằng sự cố gắng này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình tập luyện.
Trong Nhất Nam căn bản cuốn 1, Đại Sư phụ đã viết như sau :
<Tính riêng biệt và độc đáo của phái võ Nhất nam thể hiện khá rõ ở tâm pháp, đã được đúc kết thành những nguyên tắc sau đây :
– Học lấy tinh không cần nhiều.
– Hiểu cần nhiều nhưng luyện ít.
– Học lõi không học vỏ, học vỏ để chứa lõi.
– Giác đầu thành tay, thành chân.
– Cần chí hơn lý ở đầu.

Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 1 – Ảnh 2
Vì vậy mà phép “công” hay “thủ” đều dùng “tinh” chế “nhiều”, dùng “khéo” chế “mạnh”, dùng “cẩn” chế “liều”, dùng “bao” chế “trì”.
Với các ý sâu xa ấy mà những người luyện võ không coi nhẹ môn công nào: từ bộ tay, bộ chân đến thân pháp, thủ pháp, từ kỹ thuật hoá giải đến tính biến hoá của các chiêu thức… tất cả đều nhằm vươn tới độ “quyền biến” hay nói cách khác là đạt đến độ “thần quyền”.
Một thế chứa trăm vạn thế, trăm vạn thế có thể thu vào một thế. Đến mức độ đó người thành đạt không cần phân biệt công hay thủ, cương hay nhu nữa mà trong một đòn đều bao gồm đủ cả công, thủ, cương nhu.
Môn phái võ Nhất Nam luôn luôn tìm hiệu quả của đòn thế làm gốc, với tinh thần không tách biệt đòn hay, đòn dở hiểu mỗi đòn đều chứa cái hay, cái dở: hay ở đâu? dở ở đâu?.
Nếu dùng thì dùng vào lúc nào? Cho nên phương pháp dạy võ và luyện võ của môn phái cũng dựa trên tinh thần:
– Dạy chí trước môn công.
– Dạy ý trước tay, chân.
– Dạy chế công lấy công làm gốc.
– Dạy chế thủ lấy thủ làm gốc.
– Biết chế chống công, biết công được chế.
Các võ sĩ Nhất Nam được đào tạo trên cơ sở một hệ thống bài tập từ thấp đến cao, từ “thô” đến “tinh” ; từ “tinh” đến “thần” thật hệ thống, khoa học và có qui mô.>
I> Vậy “Học lấy tinh, không cần nhiều” là như thế nào:
Võ thuật là một nghệ thuật vận động sản sinh ra trong đấu tranh giữa con người với thiên nhiên (các loài thú dữ), con người với kẻ thù bên ngoài (địch thủ), và con người với kẻ thù bên trong chính bản thân anh ta (bệnh tật).
Võ thuật hướng đến mục tiêu đem lại cho con người sự chiến thắng trong các cuộc chiến, rèn luyện sức khỏe, và phục vụ một số nhu cầu cần thiết khác tùy thuộc vào mục đích của người tập luyện và sử dụng.
“Học lấy tinh, không cần nhiều” là nói ngụ ý rằng khi ta học võ thuật thì trước tiên ta phải hiểu rõ mục đích mà ta học là để làm gì, sau đó, khi học thì cần nắm vững cái cốt lõi.
Cái thực chất sâu xa ở bên trong hình thức biểu hiện của võ thuật (những bài tập bổ trợ, bài tập khí công, dưỡng sinh, các đòn thế, đòn quyền, ngọn cước).
Hiểu được công dụng của những hình thức biểu hiện đó, và lý giải được tại sao những đòn thế đó được sử dụng như thế này mà không phải là như thế khác.
Giống như việc ta đi học ở trường, học nghề ta phải xác định được mục đích học của ta, hiểu được ý nghĩa, mục đích của môn học.
Khi học phải nghiền ngẫm, suy nghĩ để hiểu, hiểu rồi thì phải làm (thực hiện) được, và rồi phải làm (thực hiện) thành thạo những kiến thức và kỹ năng mà ta đã học, đã rèn luyện.
Sự học có 4 mức độ: biết, hiểu, làm được, làm thành thạo.
Nếu học mà chỉ dừng ở mức để biết thì cũng chỉ có thể ba hoa, chém gió với người khác.
Nếu học đến mức độ hiểu thì khá hơn một chút là có thể lý giải cho người chưa hiểu, có thể nghe ai đó nói đến việc thì hiểu và gật gù cho vui.
Nếu học đến mức độ có thể làm được thì cũng khá hơn chút nữa, nhưng cũng chỉ có thể làm để lấy le với người khác chưa làm được như mình mà thôi.
Phải học đến mức có thể làm thành thạo mới có thể giải quyết được công việc một cách tốt đẹp.
Học võ cũng vậy, nếu học không đến mức tinh, đến mức thành thạo thì đừng mong gì có sức khoẻ, đừng mong gì chiến thắng trong các cuộc đấu.
Các cụ nhà ta có câu: “Nhất nghệ tinh _ Nhất thân vinh là vậy”.
Biết nhiều, hiểu nhiều, thậm chí làm được nhiều mà tay nghề làng nhàng thì cũng không thể giải quyết được việc gì ra hồn, trong công việc làm ăn trong cuộc sống thì không thể kiếm ăn mưu sinh tốt đẹp được nói chi đến vinh hiển.
Vì vậy học bất cứ thứ gì cũng phải trên tinh thần đào sâu suy nghĩ, thực hành chuyên sâu chứ không phải hình thức, hời hợt khoa trương về số lượng.
Người xưa muốn dạy con cháu: phàm muốn học cái gì cũng không nên nóng vội (giục tốc bất đạt) mà phải kiên trì say sưa, học tối, học ngày, học quên giờ, quên tháng, đêm nghĩ, ngày suy, không lúc nào ngừng nghỉ và cứ như thế sẽ trở thành một thói quen thường nhật.
Như vậy thì có học gì mà không thành đạt. Người học trò nôn nóng, quá mong đạt đến đích mà lại không chịu đổ mồ hôi nước mắt trong quá trình tập luyện thì mong gì thành công.
Phép học võ lại càng đòi hỏi phải hiểu và nắm được thấu đáo tinh thần của mỗi thế, mỗi đòn, tập luyện chuyên cần, không ngừng nghỉ cho đến khi nhận ra được cái lý đơn giản nhưng hoàn đủ của nó mới mong có thể sử dụng tốt được.
Tóm lại học nhiều mà không tinh thuần thì sẽ không dùng được khi cần đến, học ít mà tinh thuần, sử dụng tốt khi cần đến rõ ràng là vẫn hơn.
Phần giải nghĩa ở trên dù sao vẫn là giải nghĩa theo phương pháp sư phạm, học thuật hiện đại, phạm trù so sánh vẫn nằm trong những khái niệm mà ta có thể đặt ra những tiêu chí để định lượng được.
Khái niệm “ít”, “nhiều” là chỉ về số lượng; khái niệm “hình thức”, “làng nhàng”, “tinh thục”, “tinh thuần” là chỉ về chất lượng, những khái niệm này chưa đủ để diễn giải hết những thâm ý của Đại Sư phụ cũng như người xưa khi dụng ngữ “Học lấy tinh, không cần nhiều” bởi trong câu này còn bao hàm ý nghĩa nằm bên ngoài ngôn ngữ.
Hẳn các em bây giờ đều đã học hết THPT, trong chương trình học sinh học, các em đều biết một kiến thức sinh học quan trọng về hệ thần kinh do nhà bác học Paplop phát hiện ra đó là “Phản xạ có điều kiện và Phản xạ vô điều kiện”.
Phản xạ vô điều kiện là những phản ứng thuộc về bản năng, tức thời của cơ thể khi hệ thần kinh của chúng ta chịu sự tác động của ngoại cảnh
Phản xạ có điều kiện là những phản ứng có thể có được của cơ thể, trong đời sống, được hình thành trong những điều kiện nhất định (do đó có tên gọi là phản xạ có điều kiện).
Phản xạ có điều kiện của chúng ta được hình thành trên cơ sở lập đi, lặp lại những cử chỉ hành vi một cách máy móc, với một tần xuất lớn và trong một thời gian dài.

Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 1 – Ảnh 3
Trong luyện tập võ thuật, việc tập đi tập lại những đòn thế võ thuật trong một điều kiện, hoàn cảnh nhất định nào đó sẽ tạo cho chúng ta có phản ứng cơ thể một cách nhanh nhẹn có tốc độ hơn hẳn những cử động bình thường.
Các bậc tiền nhân của chúng ta đã biết điều đó từ rất lâu trước khi học thuyết Paplop ra đời và đã sử dụng điều hiểu biết đó trong việc rèn tập võ thuật.
Khi học một bài quyền, lúc đầu phải luôn luôn để ý, tự mình chỉnh sửa: thế này dồn tấn chân phải hay chân trái? thế này tay trên hay tay dưới, co duỗi ra sao? khi chuyển thì chân này bước cao hay thấp? bước dài hay ngắn? …
Cứ thế học mãi, tập mãi thì thuộc, không cần suy nghĩ, cứ tuần tự đi từ đầu bài đến cuối bài mà vẫn không sai thức nào. Nhưng trong thực tế, thuộc đến 100 bài kiểu như vậy thì vẫn không ứng dụng được.
Ngược lại, nếu luôn suy nghĩ, phân tích thế này thì dùng vào lúc nào? đối phương đánh đòn này thì né ra sao? Trong từng trường hợp thì đánh đối phương bằng đòn nào? dùng cái gì? dùng như thế nào? dùng vào lúc nào? khoảng cách nào? được như vậy đem ra cọ sát, tập đi tập lại nhiều lần để có thể thực hiện dễ dàng theo ý muốn của mình là đạt được độ “tinh” và “thần” của bài quyền.

Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 1 – Ảnh 4
Tức là ta đã biến PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN DO CÓ Ý THỨC DẪN DẮT có được thông qua luyện tập trở thành PHẢN XẠ VÔ ĐIỀU KIỆN BẢN NĂNG.
Khi những cử động, động tác võ thuật của chúng ta đã trở thành bản năng thì nó không còn là những động tác máy móc nữa mà là những động tác tự nhiên, như là chính nó, hiển nhiên đã là như vậy.
Khả năng phản ứng trước tác động nguy hiểm của ngoại cảnh ngấm vào xương thịt, máu huyết cứ như thế mà làm. Học võ cần phải được như thế, đó là khả năng giữ mình cao nhất nhờ sự giác độ của tay chân theo ý muốn của đầu.
Khả năng ấy chính là phản xạ có điều kiện được rèn luyện nhiều lần đã trở thành bản năng tự vệ luôn túc trực.
Như vậy học võ không phải chỉ là luyện chân, luyện tay cho cứng, cho mạnh, mà còn cần đến sự suy nghĩ, trí tuệ và ý thức.
Nói 1 cách nôm na là ta phải đánh thức các tế bào thần kinh của bộ não, rèn luyện nó để nó có thể hoạt động như 1 siêu máy tính, có khả năng xử lý tình huống cực nhanh và ra mệnh lệnh điều khiển cho chân tay, thân mình của chúng ta hành động một cách phù hợp và khôn ngoan thành những thế thức võ thuật công, thủ, phản, biến, di chuyển có hiệu quả cao nhất để chiến thắng đối thủ.
Môn phái võ Nhất Nam có rất nhiều bài quyền đặc dị như “Ma quyền”, “Hoa quyền”, “Bát quái quyền”… Tất cả đều hàm chứa những đúc kết tinh vi qua xương máu và sức sáng tạo lâu dài của ông cha chúng ta.
Mỗi thế đều chứa cái cứng, cái mềm, cái chặt, cái lỏng, cái cao, cái thấp, cái lồi , cái lõm, cái nhám, cái trơn, cái xa, cái gần , cái động, cái tĩnh, cái thực, cái giả…
Thiên biến vạn hoá không định, không ổn, thật khó đoán lường, nên học được một thế đã bao hàm nhiều thế, nắm được một đòn đã khắc chế được nhiều đòn. Nên “Học lấy tinh, không cần nhiều” là như vậy.
II> “Hiểu cần nhiều, nhưng luyện ít” nghĩa là như thế nào: (để ngày mai)
Xem Thêm
- Cách đánh nhau đường phố không bao giờ thua
- Kinh Nghiệm Đánh Nhau Ngoài Đường
- Nhất Nam võ của người việt
- So Sánh Võ Tàu Và Ta
- Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 2
- Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 3
Lưu ý:
Võ sĩ online không sở hữu bản quyền bài viết trên, chúng tôi chỉ tổng hợp lại kiến thức võ thuật qua các bài viết của Võ sư Trịnh Hồng Minh và chia sẻ tới mọi người.
Nếu có bất cứ vấn đề gì về bản quyền xin hãy liên hệ email: lehoang3d@gmail.com. Chúng tôi sẽ xóa bài viết ngay lập tức.
Nguồn bài viết TẠI ĐÂY