Cùng tìm hiểu về võ Nhất Nam, một môn võ cổ truyền số ít còn mang tính thuần Việt. Dưới đây là bài viết của võ sư Trịnh Hồng Minh giới thiệu về môn võ này. VoSiOnline xin được tổng hợp lại để xin giới thiệu tới bạn đọc hiểu rõ hơn về môn phái võ này của Việt Nam.
Nhất Nam Võ Của Người Việt
Nhận được lời mời viết bài từ Ban chuyên đề của Tạp chí Đồng Hành Việt, Tạp chí Thế giới Di sản tôi thấy thật vui vì tiêu chí của tạp chí “Đồng Hành Việt” và “Thế giới Di sản” thực sự hấp dẫn tôi.
Những người làm tạp chí mong muốn được chuyển tải những giá trị văn hoá, tinh thần truyền thống của dân tộc Việt nam đến đông đảo các bạn đọc gần xa, mong muốn được “đồng hành” cùng những bước chân của cả dân tộc Việt trong thời kỳ hội nhập và xây dựng – phát triển đất nước nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển những di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc.
Mong muốn đó cũng chính là mong muốn của tôi, và có lẽ cũng là mong muốn của rất nhiều người dân Việt nam khác.

Là người làm công tác trong ngành giáo dục và đào tạo, sinh ra và lớn lên trong một gia đình vốn coi trọng truyền thống, bản thân cá nhân tôi lại có sở thích nghiên cứu và tìm hiểu văn hoá – lịch sử dân tộc nên tôi đã nhận lời viết bài nhân dịp số xuất bản đầu tiên của tạp chí về chủ đề “Võ phái Nhất nam” – một môn phái võ thuật có xuất xứ lâu đời của dân tộc Việt chúng ta vốn phát xuất từ vùng đất nơi thượng nguồn sông Lam, sông Mã thuộc châu Hoan, châu Ái xa xưa mà nay là xứ Thanh – xứ Nghệ hay tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An của nước ta.
Có lẽ để nói về võ phái Nhất nam và đề cập đến môn võ Nhất nam như là một giá trị di sản văn hoá phi vật thể quý báu của dân tộc, ta cũng cần điểm qua vài nét tổng quát về nền võ thuật cổ truyền Việt nam nói chung:
Võ thuật cổ truyền Việt nam với lịch sử hàng ngàn năm lập nước, dựng nước và giữ nước, trên cơ sở gốc là của các tộc người Việt bản địa nẩy sinh từ cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên hoang dã và với kẻ thù bên ngoài, từ sau công nguyên, trong cuộc giao lưu với văn hoá Ấn độ và Trung Hoa đã tiếp nhận thêm những môn võ mới thích hợp từ các nền văn hoá này do các võ sư tham bác lẫn nhau.
Các võ phái thâm nhập lẫn nhau, học hỏi, bổ xung và cải biến cho phù hợp với đặc điểm của đặc trưng địa lý, của con người, của thói quen sống và văn hoá bản địa.
Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử Việt nam từ thế kỷ XIX trở về trước, các nhà nước phong kiến Việt nam đều coi trọng võ thuật binh bị do luôn phải đề phòng hiểm họa ngoại xâm đến từ phương bắc.

Các nhà nước phong kiến Việt nam trong quá khứ đã mở võ ban bên cạnh văn ban, mở trường võ bị và tổ chức các kỳ thi võ ở địa phương, rồi ở trung ương để tuyển chọn nhân tài cho quân đội.
Do có sự can thiệp ở cấp nhà nước mà việc dạy võ, thi võ dần dần có chương trình quy định thống nhất, xoá dần các quan niệm riêng rẽ, cho dù võ dân tộc bản địa hay võ ngoại lai du nhập nếu có lợi ích và phù hợp với mục đích chiến đấu của quân đội thì đều có thể được chấp nhận và tất cả theo thời gian dần hoà nhập trở thành võ dân tộc.
Từ đó đem lại những thành tựu và chiến thắng quân sự rực rỡ cho dân tộc Việt nam ta trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm phương bắc trước đây.
Nhưng từ cuối thế kỷ XIX với sự tấn công của chủ nghĩa tư bản phương Tây, bằng sức mạnh từ xa, kỹ thuật quân sự Việt nam với trận pháp, chiến thuật và kỹ thuật tác chiến cổ điển đã trở nên lạc hậu, thành lũy cao dày không cản được đại pháo, gươm sắc, giáo mác, cung nỏ không địch lại được với súng đạn hiện đại các loại.
Tính quân sự chủ công của võ thuật trong việc tác chiến của quân đội đã bị đẩy lui xuống hàng thứ yếu và tác dụng của võ thuật bị thu lại ở mức hạn hẹp.
Tiếp đó với sự thống trị của thực dân Pháp, quân đội không học võ nữa, trường võ bị của nhà nước phong kiến Việt nam bị giải tán, các khoa thi võ bị bãi bỏ, TDTT kiểu phương Tây được đưa vào các phong trào của thanh niên và trường học thay cho tập võ, tất cả đã làm cho võ thuật dần mất đi tính phổ biến trong dân chúng và mai một đi theo thời gian.
Sau khi đất nước ta giành được độc lập, từ suốt những năm kháng chiến chống Pháp cho đến thời kỳ chống Mỹ, ở miền Bắc trước năm 1975 là thời kỳ mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung cho cuộc chiến đấu chống quân xâm lược để bảo vệ chủ quyền dân tộc và để giải phóng thống nhất đất nước.
Toàn bộ hoạt động của xã hội ta lúc bấy giờ đều ưu tiên cho chiến tranh, nhưng trong chiến tranh hiện đại thì vai trò của võ thuật là thứ yếu so với súng, đạn và khí tài hiện đại nên các hoạt động huấn luyện, truyền dạy võ thuật chủ yếu chỉ còn được triển khai trong các lực lượng an ninh và bộ đội đặc biệt tinh nhuệ.
Đối với xã hội dân sự thì vì lý do để đảm bảo an ninh xã hội thời chiến nên nhà nước không cho phép các tổ chức võ phái phổ biến việc tập luyện và truyền dạy võ thuật trong nhân dân.

Vì thế mà vào thời kỳ đó những chú nhóc học sinh 13 – 14 tuổi ở thành phố như tôi, cho dù đều biết chắc chắn rằng dân tộc chúng ta phải có một nền võ thuật rất riêng biệt, rất hữu dụng, rất tinh thâm bởi dân tộc chúng ta có một quá khứ lịch sử chống giặc ngoại xâm rất anh dũng và hào hùng.
Dân tộc chúng ta đã có biết bao vị anh hùng từng đối trận với những tướng lĩnh có võ công lừng lẫy của các triều đại phong kiến phương Bắc và đã đánh bại họ ngay trên lưng ngựa tại chiến trường.
Vô vàn những anh hùng đất Việt đó trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ắt hẳn phải là những võ sĩ siêu quần bạt chúng, nhưng để tìm hiểu về võ thuật của đất Việt chúng ta hay muốn học tập thì lại chẳng có cách nào.
Ở miền Nam tuy rằng các tổ chức võ phái dân tộc vẫn được hoạt động song cũng chưa có được sự sôi nổi, rầm rộ như hiện nay.
Từ bé tôi đã được ông ngoại kể cho nghe những câu chuyện thú vị về các hiệp sĩ, những giai thoại hay về võ thuật và những điển tích Phật giáo nên tôi có sự hứng thú rất lớn đối với võ thuật.
Đối với tôi võ thuật thật là bí ẩn và kỳ diệu vì thế mà tôi thường đọc ngấu nghiến, đọc đi đọc lại tất cả những cuốn sách võ thuật nào mà tôi vớ được.
Thậm chí bất cứ tài liệu hay cuốn sách nào có chút liên quan đến võ thuật dù đó là kinh Phật, truyện kiếm hiệp hay tiểu thuyết dã sử, cho đến cả các tài liệu nghiên cứu về lịch sử của giới hiệp sĩ Ấn độ và đạo sĩ bàlamon giáo, các đạo sĩ yoga và các hành giả Thiền, các Lạtma Tây tạng và các đạo sĩ Trung Hoa.
Mong có thể tìm được đôi điều về võ thuật Kalaripayattu, về yoga hay phép đạo dẫn, về võ thuật Trung Hoa hay võ thuật Nhật bản nhưng lúc đó tôi vẫn chưa biết gì nhiều về võ thuật cổ truyền Việt nam ngoại trừ danh tiếng về môn võ vật Liễu đôi, võ gồng Trà kha, võ trận Bình định, võ ta của cụ Cử Tốn qua những lời kể của Ông ngoại.
Sau này tôi mới biết rằng thực ra võ thuật cổ truyền Việt nam bao gồm rất nhiều môn phái, có những môn phái xuất phát từ những phái võ gốc từ Trung Hoa.
Có những môn phái hình thành từ sự tích hợp, dung hoà của cả võ thuật Việt bản địa với võ thuật Trung Hoa.
Tuy nhiên vẫn có không ít những võ phái còn giữ nguyên bản sắc thuần Việt, hầu như ít chịu ảnh hưởng hoặc không hề chịu ảnh hưởng, lai tạp từ các yếu tố bên ngoài, mà “Võ phái Nhất nam” là một trong những võ phái như thế.
Đó là do các võ phái này mang đậm tính chất văn hoá dân gian, làng xã, tồn tại trong các làng quê, dòng họ, ở đó người ta học võ không phải để tham gia thi cử và tiến thân mà học võ để rèn luyện cơ thể, để tham dự lễ hội văn hoá dân gian, để giữ đạo lý và truyền thống, để làm việc nghĩa và chống cường bạo, để bảo vệ quê hương và cao hơn nữa là để gia nhập vào nghĩa quân giải phóng đất nước khi cần thiết.
Gia đình các võ sư chính là các võ đường, trước hết truyền dạy cho con cháu để giữ gìn gia phong và mở rộng cho một số người nhiệt tâm với võ, mỗi thầy truyền theo một cách mà mình sở trường, từ đó hình thành những gia phái.
Các dòng họ có bề dầy võ nghiệp vẫn coi võ là niềm tự hào cần nuôi dưỡng và phát triển, các làng võ, các khu vực địa lý tập trung nhiều dòng họ có bề dầy võ nghiệp đã có sự liên kết, kết dính tạo nên những lò võ trong đó mọi người có cùng chung một quan niệm, tôn chỉ nào đó nên do đó đã hình thành những võ phái.
Các dòng võ với những môn phái mà hạt nhân là các gia phái vẫn tiềm ẩn một sức sống dai dẳng, các võ sư tuy “mai danh ẩn tích” nhưng vẫn truyền dạy cho các thế hệ nối tiếp.
Chính vì võ thuật Việt ẩn mình trong các gia phái, sau các lũy tre làng, lại chỉ truyền thụ theo lối mật truyền nên thời đó chẳng thể tìm đâu ra được bất cứ một cuốn sách hay tài liệu nào viết về võ thuật Việt nam tại các cửa hiệu sách.
Cho đến những năm đầu của thập kỷ 80, sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía bắc đã qua đi, cả dân tộc ta bước vào thời kỳ xây dựng tái thiết đất nước, cùng với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế là bước chuyển mình hội nhập quốc tế, nên các môn thể thao võ thuật có trong nội dung thi đấu quốc tế cũng bắt đầu được đưa vào hoạt động trong các CLB, nhà văn hoá.
Các võ phái tại Việt nam đã được nhà nước thừa nhận như là các tổ chức quần chúng xã hội và cho phép hoạt động trong khuôn khổ của hoạt động thể thao thì các võ phái cổ truyền Việt nam mới có điều kiện phát triển và đến với quảng đại quần chúng.
Cũng chính trong khoảng thời gian này nhiều người bắt đầu biết đến một võ phái mang tên “Võ phái Nhất nam” do võ sư Chưởng môn Ngô xuân Bính trực tiếp quảng bá và truyền dạy tạI các câu lạc bộ thể thao – võ thuật của Thủ đô và một số tỉnh thành lân cận.
Khi đó mặc dù tuổi còn rất trẻ nhưng võ sư Ngô xuân Bính mong muốn giới thiệu môn võ thuật của quê hương đến với đông đảo mọi người dân đất Việt nhằm mục đích khôi phục, bảo tồn và phát triển môn võ thuật dân tộc này như là một một di sản văn hoá quý giá của dân tộc đã và đang có nguy cơ bị thất truyền,
Mong muốn phát huy lòng tự hào dân tộc và chứng minh với bạn bè quốc tế rằng dân tộc Việt cũng có những môn võ thuật đặc sắc, hào hùng và hiệu quả nào có thua kém gì võ thuật Trung Hoa, võ thuật Nhật bản, võ thuật Đại hàn.

Chính vì vậy mà trong suôt 10 năm của thập kỷ 80 thế kỷ trước ông đã đã không quản ngày đêm cần mẫn truyền dạy võ thuật cho thanh thiếu niên tại các CLB thể thao ở Hà nội.
Sự lạ lùng, nét đặc dị và tính hiệu quả cao của môn võ này đã hấp dẫn đông đảo thanh thiếu niên Hà nội tham gia tập luyện và chỉ sau một khoảng thời gian ngắn phong trào tập luyện võ thuật Nhất nam đã trở thành một hiện tượng hiếm thấy trong hoạt động thể thao – võ thuật của thủ đô.
Với vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt linh hoạt, thái độ thân thiện và hoà nhã, tác phong khiêm tốn, vẻ bề ngoài như không có biểu hiện gì chứng tỏ bản thân là một võ sư có công phu kinh người nhưng thực tế lại tiềm tàng một năng lực phi thường về võ thuật và uyên thâm về kiến thức võ học dân tộc, ông đã dần thuyết phục được giới quan chức thể thao và giới võ thuật Hà nội bằng chính năng lực thực tế của mình.
Cái tên võ phái Nhất nam lúc đó cũng khiến không ít bậc sư phụ trong giới võ thuật chạnh lòng và vì thế mà đã có nhiều cuộc tỷ thí, so tài xẩy ra, nhưng rồi thực tế đã minh chứng rằng võ sư Ngô xuân Bính không những là một võ sĩ kiệt xuất mà còn là một bậc sư phụ tài danh khi có hàng trăm đệ tử do bản thân ông trực tiếp tuyền thụ và chỉ sau ngày khai môn lập phái 10 năm võ phái Nhất nam đã có hàng vạn môn sinh tại Hà nội và một số tỉnh phía Bắc..
Tôi xin trích dẫn một phần bài viết mang tính nghiên cứu và giới thiệu võ cổ truyền tại Hà nội của một vị lãnh đạo ngành thể thao Việt nam thời bấy giờ – ông Mai văn Muôn đăng trên chuyên san “Việt Võ Đạo” kỳ thứ nhất do nhà xuất bản Thể dục – Thể thao ấn hành tháng 12 năm 1993 với tiêu đề “Võ Héc – Nhất nam & Nam Hồng Sơn” để bạn đọc có thể hiểu và biết rõ hơn về môn phái võ thuật này:
Võ sư Ngô Xuân Bính – Chưởng môn phái võ thuật Nhất nam xuất thân trong một gia đình võ, học võ ngay từ bố đẻ và các võ sư trong vùng Thanh – Nghệ, võ sư Ngô xuân Bính đã lĩnh hội một truyền thống võ thuật dân tộc lâu đời, với mong muốn thống nhất, đồng nhất các chi phái, các gia phái để cùng vun vén về cội nguồn, hy vọng quy tụ bầu đoàn võ thuật của vùng sông Lam, sông Mã thành một phái võ riêng dưới trời Nam.
Là một đứa con của làng võ Việt nam, nên khi ra Hà nội học tập và sinh sống ông đã truyền dạy sở học của mình, gây dựng phong trào tập luyện võ thuật dân tộc vùng Thanh – Nghệ trong thanh niên, học sinh tại Hà nội và một số tỉnh lân cận, khai môn lập phái và đặt tên võ phái là Nhất nam.
Giao Lưu Với Võ Sư – Chưởng Môn Nhất Nam Võ Phái – Ngô Xuân Bính
Là môn phái võ thuật có nguồn gốc và lịch sử lâu đời, võ Nhất nam xuất phát trước hết từ đặc điểm của người Việt là tầm vóc nhỏ bé và cách sống nặng về tình mà trong thời gian dài của lịch sử lại phải thường xuyên đối đầu với người phương Bắc thể lực to khoẻ và quyết chí cao do đó khó có thể đương lực ngang bằng theo lối đối đòn và trả miếng bằng sức mạnh cơ bắp. Muốn thắng phải tìm ra thế mạnh riêng.
Xuất phát từ thể chất không cứng, mạnh, võ sinh ta không thể tập theo lối cương cường mà tập trung vào luyện công và môn công để khắc chế võ Tầu, cụ thể là tập nhiều về tránh né sao cho thật thuần thục để các đòn đánh của đối phương đều không thể đến được đích rồi chọn cơ hội tấn công vào đúng điểm hở, điểm yếu của đối phương mà dứt điểm.
Nói như các võ sư võ Héc là: “học đạt cái tinh để chế cái nhiều, cái tĩnh để chế cái động, cái đột để phá cái ì, cái cong để chống cái cứng, cái thẳng để chống cái vòng…” tất cả đều phải đạt độ quyền biến, tới mức thần quyền”.
Phương châm của võ thuật Nhất nam là né tránh, đánh nhanh, điểm đặt đòn chính xác, đúng chỗ hiểm, có hiệu quả cao.
Do đó về võ thuật phải luyện thân pháp cực kỳ mau lẹ để luôn tránh được đòn của đối phương, còn về tấn pháp tập trung vào các thế tấn thật cơ động, biến ảo cao.
Để đánh điểm huyệt đối phương và chữa chạy cho mình hữu hiệu nhất võ Nhất nam nghiên cứu kỹ hệ thống các huyệt trên cơ thể người và những bài thuốc lấy từ cây cỏ và những con thú sẵn có ở địa phương.
Các võ sinh Nhất Nam được tập tinh thông thập ban võ nghệ, tức là ngoài quyền cước, võ sinh còn biết sử dụng thành thạo 17 loại vũ khí nữa.
Quyền của Nhất Nam có 32 bài cơ bản, lại thêm 42 bài bổ trợ. Xuất phát của quyền theo quan niệm: “Biến tạo của trời đất có tất cả, từ cao đến thấp, chim muông, hoa lá, vạn vật, côn trùng… theo chúng kiến tạo, thêm cái hay để bảo tồn một giống hay nhiều giống.
Trên đến chí cương, dưới đến chí âm, khắc nhu, khắc cương, đấy là đạo của quyền”. Điều đó có nghĩa là: Nhất Nam với mọi vật phỏng theo muôn vật, nghiền ngẫm để rút ra cái hay, cái đẹp, cái cứng, cái dẻo, cái biến hóa của muôn vật mà chế thành quyền.
Bài quyền một chuỗi động tác, có thế công, thế thủ nhưng không chỉ là thế, là dũng mà phải là cái biến, cái khoáng đạt, tùy lúc.
Võ phái Nhất Nam bên cạnh những bài quyền chiến đấu, còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh và những bài quyền nhập định nhằm tu dưỡng nhân cánh con người.
Trong quyền, Nhất Nam tập đá nhiều, nhưng những đòn yểm trợ bằng tay vẫn được chủ yếu sử dụng và đạt hiệu quả cao, trong đó nổi bật lên 2 thế: tay xà và tay trảo.
Bài Quyền Tay Xà Võ sư Trần Hà – Võ Phái Nhất Nam
Tay xà là một thế mô phỏng động tác quăng, quật, luồn, cuộn của các loài trăn vốn rất phổ biến ở vùng Thanh-Nghệ, nó có độ nẩy, độ xiết, độ mở và độ uốn lượn rất linh hoạt.
Tay trảo là thế đánh của tay chĩa ngang ngón cái như cựa gà chọi, còn các ngón kia khép lại chĩa thẳng thành mũi xỉa vào các huyệt của đối phương, thể hiện lối võ lấy yếu thắng mạnh, lấy nhẹ đánh nặng.
Đặc biệt các bài Ma quyền, Ảo quyền, Hoa quyền đã kết tinh những kỳ bí của võ Nhất Nam.
Về võ binh khí, võ phái Nhất Nam coi binh khí là phương tiện “nối” cho tay thêm dài, thêm sắc, thêm cứng, thêm dẻo và linh hoạt, nên đã từ thế thức trong các bài quyền mà sáng tạo ra những bài võ binh khí như Ma kiếm, Hoa kiếm, Vũ Chân kiếm…
Nhất Nam ưa sử dụng loại gậy tre đặc hoặc gỗ cứng, nặng các cỡ khác nhau, các bài Lôi côn, Thiết côn, Vân Vũ côn gồm nhiều thế đánh khác nhau, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công và thủ.
Hiện nay, về vũ khí có 9 bài côn, 9 bài kiếm, 7 bài rìu, 3 bài chạc ba, 5 bài thương, 1 bài song nguyệt, 2 bài đoản thiên mộc, 3 bài câu liêm cán ngắn (đánh kèm với lá mộc), 1 bài đánh bằng dây lưng, đặc biệt có cả bài đánh bằng dải lụa được gọi là Nhung thuật.
Binh khí của võ phái Nhất Nam cũng rất đặc sắc. Côn có tới 4 cỡ với độ dài bằng cánh tay, cao ngang mày, cao 1 đầu 1 gang tay và cao một đầu một với tay.
Mộc bằng gỗ ken mây, bọc nhiều lớp da sống. Hai bên thân mộc còn lắp thêm 2 cái để khi đánh có thể xòe ra thành một lớn hoặc có thể gấp lại để che hai phía của thân mộc.
Cây chạc ba như cây chạc ba đâm cá, có thể vừa đâm vừa ngoặc. Câu câu liêm là biến tướng của cây rựa đi rừng. Kiếm có sống và lưỡi, cong từ đoạn 2/3 ra mũi.
Song nguyệt như cái liềm lưỡi sắt, hai đầu nhọn hoắt, một cặp nguyệt như bốn con dao vừa đâm vừa chém.
Bài nhung thuật đánh bằng dải lụa dài 1-3 mét, đầu buộc vật nặng, cứng dùng để điểm, trói đối phương và quấn, giật vũ khí đối phương, có thể dấu kín nên dễ đánh bất ngờ.
Võ thuật Nhất Nam xưa có 12 đẳng ứng với 12 vạch, nhưng nay thất truyền chỉ còn 9 đẳng ở môn công thuộc đủ các bài quyền thuật, binh khí, ám khí, xoa bóp, châm cứu, dưỡng sinh.
Trang phục của võ sinh Nhất nam theo lối võ cổ truyền: đầu chít khăn, mình trần, đóng khố. Chưa đầy mười năm hoạt động võ Nhất nam nhanh chóng thu hút được thanh thiếu niên trên địa bàn rộng thuộc các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Hà Sơn Bình, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tuyên…tham gia tập luyện.
Các tài liệu tham khảo được phổ biến rộng rãi của võ Nhất nam là hai cuốn Nhất nam căn bản do đích thân võ sư Chưởng môn Ngô xuân Bính biên soạn và trình bày, qua hai cuốn sách này và qua những tiết mục biểu diễn quyền pháp của môn sinh Nhất nam trong các hội diễn võ thuật cổ truyền của Hội võ thuật cổ truyền Hà nội chúng ta có thể thấy rất rõ rằng hiện nay võ thuật Nhất nam vẫn là một trong những môn võ có nhiều yếu tố đặc dị mang tính chất thuần Việt, chưa hề có sự lai tạp, pha trộn hoặc cải biên nào.

Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, võ sư Ngô xuân Bính sau khi đã tạo dựng được nền tảng cơ bản và phong trào tập luyện rộng của võ phái Nhất nam ở trong nước, ông đã tiếp tục con đường truyền bá võ thuật của mình ở nước ngoài, sau hơn 15 năm bôn ba tạo dựng, võ thuật Nhất nam iên xô cũ),
Một số nước trong đã được truyền bá sang CHLB Nga và một số nước vùng Bantic (thuộc Lcác quốc gia trên đã có Liên đoàn võ thuật Nhất nam do chính người bản xứ – là những học trò do chính võ sư Ngô xuân Bính truyền dạy – đứng ra tổ chức và lãnh đạo, một số nơi khác tuy rằng chưa có tổ chức chính thức của võ phái Nhất nam nhưng cũng đã có mặt môn võ Nhất nam do sinh viên, học sinh trong nước đi du học mang theo (như Pháp và Úc).
Võ thuật Nhất nam đã được bạn bè quốc tế biết đến, đón nhận và trân trọng.
Mặc dù đã bôn ba nhiều nơi, nhưng quê hương vẫn là nơi mà Võ sư Ngô xuân Bính quan tâm và tha thiết nhất, vì thế mà ông đã trở về sinh sống tại Thành phố Vinh và tiếp tục nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm của hơn 40 năm học tập, rèn luyện và truyền dạy võ thuật Nhất nam,
Bản thảo của những tập sách về võ thuật Nhất nam do ông nghiên cứu, tổng kết và chấp bút đã xếp cao cả thước, và chúng ta cùng hy vọng rằng trong thời gian không xa nữa những thanh niên Việt nam yêu thích võ thuật dân tộc sẽ lại có cơ hội để biết và luyện tập sâu hơn nữa, cao hơn nữa những môn quyền cước và những môn công phu đặc dị của môn võ này.
Những môn sinh của ông từ cách đây hơn 20 năm, giờ đã nhiều người trưởng thành, thành danh trong cuộc sống và sự nghiệp cũng như trong võ thuật, hiện đang sát cánh cùng ông để xây dựng, mở mang võ phái nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá quý báu này của dân tộc.
Tôi rất mong các thanh, thiếu niên Việt nam hãy nhiệt tình tham gia học tập và rèn luyện võ thuật Nhất nam để phát triển thể chất, cổ xuý văn hoá và lòng tự hào dân tộc.
Các nhà sử học, các nhà dân tộc học, các đồng chí lãnh đạo trong ngành Thể dục – Thể thao, Giáo dục, Y tế và các đồng chí Quản lý nhà nước có sự lưu tâm nghiên cứu, ủng hộ và giúp đỡ để môn võ thuật này có điều kiện ngày càng phát triển, vì đó cũng chính là cách mà chúng ta phục dựng, bảo tồn một trong những di sản văn hoá quý báu của tổ tiên, cha ông chúng ta một cách thiết thực nhất.
Và có lẽ sự có mặt của những võ sĩ Nhất nam và những màn trình diễn võ thuật đặc dị của môn phái Nhất nam trong những tiết mục lễ hội dân tộc của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới sẽ mang lại hiệu quả cao cho không khí lễ hội, tái hiện được sự hào hùng của lịch sử đấu tranh của dân tộc và sẽ để lại ấn tượng khó quên cho nhân dân và bạn bè, du khách quốc tế.
Nguồn: Tổng Hợp
Xem Thêm
- Cách đánh nhau đường phố không bao giờ thua
- Cách đánh nhau cho con gái
- Cách Đánh Nhau Với Nhiều Người Luôn Thắng
- Cách Đánh nhau để thắng đối thủ mạnh hơn mình
- Nguyên Tắc Cơ Bản Của Footwork
Lưu ý:
Võ sĩ online không sở hữu bản quyền bài viết trên, chúng tôi chỉ tổng hợp lại kiến thức võ thuật qua các bài viết của Võ Sư Trịnh Hồng Minh và chia sẻ tới mọi người.
Nếu có bất cứ vấn đề gì về bản quyền xin hãy liên hệ email: [email protected]. Chúng tôi sẽ xóa bài viết ngay lập tức.
Nguồn bài viết TẠI ĐÂY