Hiểu về tâm pháp Nhất Nam Kỳ 2
Hiểu về tâm pháp Nhất Nam Kỳ 2 lần này sẽ nối tiếp những điều đang còn dang dở ở phần 1 của Võ Sư Trịnh Hồng Minh hiện ông đang là chủ nhiệm câu lạc bộ Võ thuật Nhất Nam Thăng Long là CLB Võ thuật Nhất Nam của Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Thăng Long Tp Hà nội
Hiểu thế nào về tâm pháp và kiến thức võ thuật nhất nam – kỳ 2
Lẽ ra khi đặt vấn đề nói về tổng quan của môn phái Võ Nhất Nam với quan niệm như là nghiên cứu một di sản văn hóa của dân tộc, như là một kiến thức về môn học, như là một ngành khoa học TDTT, khoa học về võ thuật như các tác giả khác vẫn thường tổng kết, trình bày thì tôi sẽ phải viết và trình bày theo một hệ thống dàn ý từ phần đầu tiên là “Lịch sự hình thành và phát triển của môn phái qua các thời kỳ lịch sử” rồi sau đó là đến các vấn đề về “Chưởng môn đương đại, chủ thuyết của môn phái, các chế định về nội quy, quy môn, tổ chức của môn phái, quy chế chuyên môn của môn phái và rồi sau cùng là đến các kỹ thuật, bài quyền, môn công của Võ Nhất Nam, phương pháp tập luyện…v…v…
Tuy nhiên, vì chưa có điều kiện minh xác một cách cụ thể khá nhiều vấn đề, nên trong phạm vi cá nhân, tôi sẽ không thể trình bày một cách cặn kẽ các kiến thức về môn phái võ Nhất Nam theo kết cấu dàn ý như vậy, mà chỉ có thể nêu lên được một phần nào những hiểu biết về môn phái võ Nhất Nam, căn cứ theo những gì tôi biết, do Sư phụ kể lại, do tự tôi sưu tầm, tìm hiểu được và có tài liệu trong tay.

Hiểu về tâm pháp Nhất Nam Kỳ 2 – Ảnh 1
I> Về Lịch sử hình thành và phát triển của môn phái qua các thời kỳ lịch sử thì tạm thời tôi chỉ có thể đưa ra những nhận định tóm tắt như sau:
1. Môn phái võ Nhất Nam là môn phái võ do Võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính thành lập và tuyên hiệu, đăng ký với Nhà nước Việt Nam như là một tổ chức xã hội hoạt động hợp pháp theo các quy định của pháp luật trong lĩnh vực Văn hóa – TDTT từ tháng 10/1983 trên địa bàn thành phố Hà nội, rồi sau đó nhanh chóng phát triển ra địa bàn nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
2. Môn phái võ Nhất Nam là sự kế thừa, tổng hợp, hợp nhất của nhiều lưu phái võ thuật thuộc dòng võ Héc cổ xưa của dân tộc Việt.
Để viết lại lịch sử môn phái võ Nhất Nam, đó là cả một công trình nghiên cứu lớn cần có nhiều thời gian để truy tìm, phân tích và tổng hợp nhiều cứ liệu lịch sử, nên tôi xin trình bày ở một thời gian khác, trong một đề án khác.
Cuốn sách NHẤT NAM – VÕ CỦA NGƯỜI VIỆT mà tôi biên soạn cũng sắp hoàn thành, hy vọng có thể giúp các bạn một góc nhìn tổng thể về lịch sử hình thành và phát triển của võ thuật Nhất Nam trong dòng chảy lịch sử và toàn cảnh chung của Võ thuật Việt Nam.
3. Cơ cấu tổ chức của môn phái võ Nhất Nam từ thời điểm hiện nay trở về trước được kết cấu theo mô hình các CLB TDTT cơ sở hoạt động tại các nhà văn hóa địa phương, đơn vị TDTT, nhà trường, hội đoàn, tổ chức xã hội.
Chất keo gắn kết các CLB võ Nhất Nam với nhau chính là dựa trên mối liên hệ tình cảm và tính kế thừa truyền thống theo kiểu quan hệ của mô hình gia phái. Thầy (cha) – Trò (con) (các thế hệ kế tiếp nhau).
4. Từ tháng 5/2009 các thành viên chủ chốt của môn phái võ Nhất Nam đang tiến hành vận động cơ quan quản lý Nhà nước cho phép thành lập Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam theo mô hình và cơ cấu của một “tổ chức xã hội” theo quy định của pháp luật hiện đại.
Nếu Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam được Nhà nước cho phép thành lập và ra quyết định thành lập thì “Môn phái võ Nhất Nam” sẽ trở thành một “tổ chức xã hội nghề nghiệp” hoạt động theo các quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”.
Khi đó ban lãnh đạo, cơ cấu tổ chức và các định chế chuyên môn sẽ được thiết lập tuân theo quy định mới của pháp luật hiện hành.

Hiểu về tâm pháp Nhất Nam Kỳ 2 – Ảnh 2
II> Về Chưởng môn đương đại, chủ thuyết của môn phái, các chế định về nội quy, quy môn, tổ chức của môn phái, quy chế chuyên môn của môn phái thì tạm thời tôi chỉ có thể đưa ra những nhận định tóm tắt như sau:
1. Chưởng môn đương đại của môn phái võ Nhất Nam là Võ sư (kiêm Họa sĩ, Bác sĩ, Viện sĩ) Ngô Xuân Bính, người đã tuyên hiệu và chấn hưng dòng võ Héc cổ xưa của dân tộc dưới tên gọi mới, là người thầy dạy các thế hệ võ sư đầu tiên của môn phái võ Nhất Nam, cũng đồng thời là người được đề cử là Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam nhiệm kỳ đầu tiên.
2. Môn phái võ Nhất Nam là sự kế thừa, tổng hợp, hợp nhất của nhiều lưu phái võ thuật thuộc dòng võ Héc cổ xưa của dân tộc Việt, nên đứng về mặt bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử mà nói, Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam (trong tương lai) chắc chắn sẽ là mô hình tổ chức chuyển tiếp và kết hợp giữa mô hình và các giá trị lịch sử truyền thống cũ với các quy định của pháp luật và phương pháp hoạt động mới của thời hiện tại.
3. Chủ thuyết của môn phái võ Nhất Nam là gì?
Những thành viên của môn phái võ Nhất Nam cho là việc phát huy những giá trị kiến thức quý giá về thể thao, y học và võ thuật cổ truyền của dân tộc để ứng dụng vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng; rèn luyện thể chất cho thanh, thiếu nhi Việt Nam là một việc làm có ý nghĩa lớn.
Luyện tập võ Nhất Nam có thể làm cho thế hệ trẻ Việt Nam có thể lực sung mãn, trí cảm sáng suốt, ý chí kiên cường góp phần giữ gìn và phát huy hồn khí dân tộc, và có đủ năng lực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Những thành viên của môn phái võ Nhất Nam chủ trương truyền bá những bí thuật tập luyện võ thuật của mình vì mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống yêu nước, thương nòi, kính trọng tổ tiên, trung thành với dân tộc góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt hiện đại đậm đà bản sắc.
Đề cao tinh thần nhân văn và nền văn hóa minh triết của dân tộc Việt nối nối tương truyền, thiên niên vạn đại.
4. Các tài liệu về:
– Đề án thành lập Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam
– Điều lệ của Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam
– Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam
– Các định chế chuyên môn của Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam.
+ Hệ thống kiến thức võ thuật Nhất Nam Việt Nam
+ Chương trình đào tạo của LĐVT Nhất Nam Việt Nam
+ Quy định về cấp bậc đai của LĐVT Nhất Nam Việt Nam
+ Quy chế thi lên đai của LĐVT Nhất Nam Việt Nam
+ Luật thi đấu Nhất Nam của LĐVT Nhất Nam Việt Nam
– Dự thảo phương hướng và kế hoạch hoạt động trong tương lai của LĐVT Nhất Nam Việt Nam.
hiện nay đang được hoàn thiện để trình cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt và ra quyết định cho phép thành lập LĐVT Nhất Nam Việt Nam, làm cơ sở cho mọi hoạt động của Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam sau này.
5. Các tài liệu công tác nội bộ:
– Các quy định thống nhất về cách đặt TÊN ĐƠN VỊ (Liên đoàn, Hội, CLB…), BIỂU TƯỢNG (lô gô, cờ, biển hiệu…), PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM (trong hệ thống liên đoàn, trong CLB…), BIỂU MẪU VĂN BẢN HÀNH CHÍNH (công văn đi, công văn đến, phong bì thư, thẻ hội viên, thẻ HLV…), TRANG PHỤC (trang phục của môn sinh khi biểu diễn, khi tập luyện, trang phục của HLV, trang phục của trọng tài), HÌNH ẢNH BÀI TRÍ (văn phòng làm việc, phòng tập, sân tập, phòng thi lên đai); NGHI THỨC, NGHI LỄ (lễ nhập môn, nghi lễ thi lên đai, nghi lễ hội họp, biểu diễn, thi đấu, đón tiếp khách…)
– Phương pháp xây dựng và phát triển phong trào tập luyện Nhất Nam dưới dạng tổ chức CLB TDTT cơ sở (là các chỉ dẫn cách thức xây dựng CLB, thủ tục xin thành lập CLB theo quy định pháp luật…)
– Sổ tay HLV (là các chỉ dẫn chuyên môn dành cho HLV võ Nhất Nam khi đứng lớp huấn luyện).
– Sổ tay theo dõi sức khỏe hội viên (hội viên tập võ, tập dưỡng sinh Nhất Nam).…….và nhiều tài liệu chuyên môn khác nhằm mục đích xây dựng hình ảnh thống nhất, đặc trưng của các CLB võ Nhất Nam (hiện nay) và cho các cơ sở của Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam (trong tương lai) cũng đang được khẩn trương chuẩn bị.

Hiểu về tâm pháp Nhất Nam Kỳ 2 – Ảnh 3
III> Về Tổng quan về hệ thống kiến thức của môn phái võ Nhất Nam, tôi xin mượn lời của Bác Mai Văn Muôn, một nhà khoa học về TDTT, một nhà quản lý TDTT, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Việt Nam, người đã có nhiều công sức đưa võ Nhất Nam vào nghiên cứu như một môn khoa học thể thao, đã giúp đỡ và ủng hộ việc đưa võ Nhất Nam vào phổ cập, phát triển trong phong trào TDTT quần chúng, nhận xét trong phần “Lời giới thiệu” của cuốn NHẤT NAM CĂN BẢN TẬP 1 (được in ấn và phát hành đợt đầu tiên tháng 4/1986) để làm đánh giá chung:
“NHẤT NAM là một môn phái võ có lịch sử phát triển lâu đời của dân tộc ta. Với quy mô lớn, tính tổ chức cao, có tâm pháp hoàn chỉnh và triết lý, có phương pháp luyện tập đa dạng, phong phú và riêng biệt – phái võ này thật độc đáo – không thể lẫn với một võ phái nào.
Đối với cơ quan nghiên cứu thể thao, chúng tôi nhận thấy: đây không chỉ là một hình thức tập luyện hấp dẫn, có hiệu quả trong việc rèn luyện sức khỏe, một hình thức sinh hoạt có thể phổ cập để vui chơi, giải trí có ích, một hình thức tu dưỡng ý chí và nghị lực – bản lĩnh vững vàng và tính kỷ luật mà còn là một môn thi đấu thể thao có nhiều triển vọng…”
Nói một cách cô đọng và khái quát, tổng hợp từ những điều Sư phụ Chưởng môn đã viết và giảng, tôi có thể đưa ra vài ý tóm tắt, có thể để những môn sinh và những người yêu võ Nhất Nam lấy làm “căn bản cần ghi nhớ” về đặc điểm chính yếu của võ Nhất Nam như sau:
Là môn phái võ thuật có nguồn gốc và lịch sử lâu đời, võ Nhất Nam xuất phát trước hết từ đặc điểm của người Việt là tầm vóc nhỏ bé và cách sống nặng về tình mà trong thời gian dài của lịch sử lại phải thường xuyên đối đầu với người phương Bắc thể lực to khoẻ và quyết chí cao do đó khó có thể đương lực ngang bằng theo lối đối đòn và trả miếng bằng sức mạnh cơ bắp.
Muốn thắng phải tìm ra thế mạnh riêng. Xuất phát từ thể chất không cứng, mạnh, võ sinh ta không thể tập theo lối cương cường mà tập trung vào luyện công và môn công để khắc chế võ Tầu, cụ thể là tập nhiều về tránh né sao cho thật thuần thục để các đòn đánh của đối phương đều không thể đến được đích rồi chọn cơ hội tấn công vào đúng điểm hở, điểm yếu của đối phương mà dứt điểm.
Nói như các võ sư võ Héc là: “học đạt cái tinh để chế cái nhiều, cái tĩnh để chế cái động, cái đột để phá cái ì, cái cong để chống cái cứng, cái thẳng để chống cái vòng…” tất cả đều phải đạt độ quyền biến, tới mức thần quyền”.
Phương châm của võ thuật Nhất Nam là né tránh, đánh nhanh, điểm đặt đòn chính xác, đúng chỗ hiểm, có hiệu quả cao.
Do đó về võ thuật phải luyện thân pháp cực kỳ mau lẹ để luôn tránh được đòn của đối phương, còn về tấn pháp tập trung vào các thế tấn thật cơ động, biến ảo cao.
Để đánh điểm huyệt đối phương và chữa chạy cho mình hữu hiệu nhất võ Nhất nam nghiên cứu kỹ hệ thống các huyệt trên cơ thể người và những bài thuốc lấy từ cây cỏ và những con thú sẵn có ở địa phương.
Quyền pháp của Nhất Nam có 32 bài cơ bản, lại thêm 42 bài bổ trợ. Xuất phát của quyền theo quan niệm: “Biến tạo của trời đất có tất cả, từ cao đến thấp, chim muông, hoa lá, vạn vật, côn trùng… theo chúng kiến tạo, thêm cái hay để bảo tồn một giống hay nhiều giống.
Trên đến chí cương, dưới đến chí âm, khắc nhu, khắc cương, đấy là đạo của quyền”. Điều đó có nghĩa là: Nhất Nam với mọi vật phỏng theo muôn vật, nghiền ngẫm để rút ra cái hay, cái đẹp, cái cứng, cái dẻo, cái biến hóa của muôn vật mà chế thành quyền.
Bài quyền một chuỗi động tác, có thế công, thế thủ nhưng không chỉ là thế, là dũng mà phải là cái biến, cái khoáng đạt, tùy lúc.
Bên cạnh những bài quyền chiến đấu, võ Nhất Nam còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh và những bài quyền nhập định nhằm tu dưỡng nhân cách con người.
Trong quyền, Nhất Nam tập đá nhiều, nhưng những đòn yểm trợ bằng tay vẫn được chủ yếu sử dụng và đạt hiệu quả cao, trong đó nổi bật lên 2 thế: tay xà và tay trảo.
Tay xà là một thế mô phỏng động tác quăng, quật, luồn, cuộn của các loài trăn vốn rất phổ biến ở vùng Thanh-Nghệ, nó có độ nẩy, độ xiết, độ mở và độ uốn lượn rất linh hoạt. T
ay trảo là thế đánh của tay chĩa ngang ngón cái như cựa gà chọi, còn các ngón kia khép lại chĩa thẳng thành mũi xỉa vào các huyệt của đối phương, thể hiện lối võ lấy yếu thắng mạnh, lấy nhẹ đánh nặng.
Đặc biệt các bài Ma quyền, Ảo quyền, Hoa quyền đã kết tinh những kỳ bí của võ Nhất Nam.
Về binh khí, võ phái Nhất Nam coi binh khí là phương tiện “nối” cho tay thêm dài, thêm sắc, thêm cứng, thêm dẻo và linh hoạt, nên đã từ thế thức trong các bài quyền mà sáng tạo ra những bài võ binh khí như Ma kiếm, Hoa kiếm, Vũ Chân kiếm… Nhất Nam ưa sử dụng loại gậy tre đặc hoặc gỗ cứng, nặng các cỡ khác nhau, các bài Lôi côn, Thiết côn, Vân Vũ côn gồm nhiều thế đánh khác nhau, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công và thủ. Hiện nay, về vũ khí có 9 bài côn, 9 bài kiếm, 7 bài rìu, 3 bài chạc ba, 5 bài thương, 1 bài song nguyệt, 2 bài đoản thiên mộc, 3 bài câu liêm cán ngắn (đánh kèm với lá mộc), 1 bài đánh bằng dây lưng, đặc biệt có cả bài đánh bằng dải lụa được gọi là Nhung thuật.
Binh khí của võ phái Nhất Nam cũng rất đặc sắc. Côn có tới 4 cỡ với độ dài bằng cánh tay, cao ngang mày, cao 1 đầu 1 gang tay và cao một đầu một với tay.
Mộc bằng gỗ ken mây, bọc nhiều lớp da sống. Hai bên thân mộc còn lắp thêm 2 cái để khi đánh có thể xòe ra thành mộc lớn hoặc có thể gấp lại để che hai phía của thân mộc.
Cây chạc ba như cây chạc ba đâm cá, có thể vừa đâm vừa ngoặc. Câu câu liêm là biến tướng của cây rựa đi rừng. Kiếm có sống và lưỡi, cong từ đoạn 2/3 ra mũi.
Song nguyệt như cái liềm lưỡi sắt, hai đầu nhọn hoắt, một cặp nguyệt như bốn con dao vừa đâm vừa chém.
Bài nhung thuật đánh bằng dải lụa dài 1-3 mét, đầu buộc vật nặng, cứng dùng để điểm, trói đối phương và quấn, giật vũ khí đối phương, có thể dấu kín nên dễ đánh bất ngờ.
Võ thuật Nhất Nam xưa có 12 đẳng ứng với 12 vạch, nhưng nay thất truyền chỉ còn 9 đẳng ở môn công thuộc đủ các bài quyền thuật, binh khí, ám khí, xoa bóp, châm cứu, dưỡng sinh.
Để các môn sinh và các bạn yêu võ Nhất Nam dễ nhớ và dễ hệ thống hóa hệ thống kiến thức về võ Nhất Nam, tôi sẽ trình bày Tổng quan về công và môn công của Môn phái võ Nhất Nam dưới dạng hệ thống kiểu giáo trình gồm có 6 chương mục lớn như sau:
1. LUYỆN THỂ
2. LUYỆN KHÍ
3. LUYỆN NỘI
4. LUYỆN TÂM
5. LUYỆN QUYỀN
6. LUYỆN BINH KHÍ.

Hiểu về tâm pháp Nhất Nam Kỳ 2 – Ảnh 4
Cách phân chia này là tự tôi đặt ra trong quá trình được học, được nghe từ Thầy (Sư phụ Chưởng môn Ngô Xuân Bính) và luyện tập, cảm ngộ, sưu tầm võ Nhất Nam nói riêng và võ ta nói chung nên sẽ có chương mục chỉ nói sơ qua đại ý vì kiến thức có hạn, cũng vì có nhiều chương mục có ít tài liệu.
Hành trình sưu tầm, nghiên cứu để khôi phục, bảo tồn võ thuật Nhất Nam như một di sản văn hóa của dân tộc là hành trình dài và đầy khó khăn bởi thời gian quá dài và bị lớp bụi dầy của quá khứ che phủ, còn cần rất nhiều sự đóng góp, bổ xung, tiếp sức của Thầy, của các bạn đồng học, của các môn sinh thế hệ sau, của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và chuyên môn thể thao, võ thuật khác nữa.
Thực là tham vọng thì lớn, nhưng sức lại có hạn và còn có nhiều băn khoăn trở ngại, do không dám lạm bàn.
Trở lại nội dung chính của bài, tôi xin nói là 6 chương mục phân chia như trên thực ra chỉ có tác dụng thống kê, chứ cũng chưa thật sự khoa học, bởi vì kiến thức của môn phái võ Nhất Nam rộng lớn vô cùng, từ xưa đến giờ chưa có một cá nhân nào, một võ sư nào có thể học, có thể biết hết kiến thức Nhất Nam trong phạm vi một cuộc đời của bản thân mình.
Mỗi một người khi học võ Nhất Nam cũng chỉ nên chọn lấy cho mình một môn công nào đó phù hợp, kiên trì luyện tập, cảm ngộ và sẽ có thành công nhất định tùy thuộc khả năng thiên phú và công sức của mình bỏ ra, thật đúng với câu TÙY DUYÊN vậy. Chẳng nên tham, mà có tham cũng chẳng được.
Hãy nghĩ đến hai câu thứ nhất và thứ hai trong phần tâm pháp “HỌC LẤY TINH, KHÔNG CẦN NHIỀU” và “HIỂU CẦN NHIỀU, NHƯNG LUYỆN ÍT” để mà tự xác định.
Trong thực tế cuộc sống, mỗi võ sinh, ở từng trình độ cấp bậc đai nhất định sẽ được người thầy lựa chọn cho 1 phương pháp luyện thể, luyện khí, luyện nội, luyện tâm, luyện quyền, luyện binh khí….nhất định phù hợp với độ tuổi, trình độ, điều kiện sinh sống và tiềm năng phát triển trong tương lai.
Thực tế thì nội dung các môn này thường là đan xen lẫn vào nhau, bổ trợ cho nhau, không tách rời, khó phân biệt riêng rẽ phần nào là để luyện thể, phần nào là để luyện khí, phần nào là để luyện nội, phần nào là để luyện tâm, phần nào là để luyện quyền bởi vì bản thân chúng ta là một thể, TÂM, KHÍ ở trong THÂN, KHÍ dưỡng THÂN, TÂM chỉ đạo THÂN, KHÍ tuyệt THÂN vong, THÂN vong thì TÂM diệt.

Hiểu về tâm pháp Nhất Nam Kỳ 2 – Ảnh 5
Hiện nay NHẤT NAM CĂN BẢN đã xuất bản 5 cuốn, nếu ai có đủ 5 cuốn và đã từng đọc qua toàn bộ thì sẽ thấy cuốn 1 và cuốn 2 là nói giới thiệu khái quát toàn bộ phần CĂN BẢN CỦA QUYỀN PHÁP và BƯỚC ĐẦU CỦA NỘI CÔNG “Dưỡng tâm gia pháp”.
Cuốn 3 “Dưỡng sinh – Khí nội dịch” là PHẦN ĐẦU CỦA LUYỆN KHÍ – phép “Thở sâu tĩnh công” và phép dưỡng sinh; đến Khí nội dịch là SƠ KHỞI CỦA KHÍ CÔNG. Cuốn 4 là một kỹ thuật dùng binh khí THIẾT CÔN.
Cuốn 5 là Đả sơn quyền gồm có 3 phần KHUNG VẬN CÔNG – LUÂN CHUYỂN CÔNG và DƯỠNG CÔNG BỔ TRỢ (là một phần của Dưỡng sinh và Khí nội dịch).
ĐẢ SƠN QUYỀN là một bài quyền (tay không) chân phương, chưa phức tạp về kỹ pháp mà thuộc DÒNG QUYỀN CHÂN LỰC, chủ về thuật CƯƠNG ĐỐI CƯƠNG.
Tuy nhiên, Bài ĐẢ SƠN QUYỀN này rất đặc biết, rất tốt cho người luyện quyền bởi môn quyền này đã gần như trở thành một MÔN CÔNG.
Khi tập KHUNG VẬN CÔNG ta thấy đó là một bài tập hỗn hợp mang cả công năng LUYỆN THỂ, LUYỆN KHÍ, LUYỆN NỘI.
Khi tập KHUNG VẬN CÔNG, cơ thể không thuần túy vận động theo hướng cơ bắp, ép ngoại; mà nhập cuộc, vận cơ, đưa cơ thể về đúng vị trí luân chuyển hợp thức. KHÍ NỘI DỊCH phát khí và tự thu khí. Động tác quyền làm vận động ráo riết, gắt gao cơ bắp, gân cốt trong trạng thái nén hơi, ép hơi, tự phát khí, tự thu khí của KHÍ NỘI DỊCH lâu dần sẽ phát sinh NỘI KÌNH.

Hiểu về tâm pháp Nhất Nam Kỳ 2 – Ảnh 6
Khi tập LUÂN CHUYỂN CÔNG các yếu tố về sức bền – sức mạnh – tính khéo léo – cường độ vận động – trạng thái căng thẳng và thoải mái của hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng ĐỀU ĐƯỢC PHÁT ĐỘNG ĐỦ MỨC làm thành chuỗi phổ hợp các KỸ THUẬT QUYỀN (lơi đả công, áp đả công, du đảo thân, nê công, giã công) và KỸ THUẬT VẬN CÔNG hợp thành.
Đả sơn quyền chỉ là 1 bài quyền trong số khá nhiều bài quyền của môn võ Nhất Nam. Như vậy có thể thấy đây mới chỉ là các vấn đề khái quát về CĂN BẢN để giới thiệu mà thôi. Kho tàng đồ sộ phía sau còn cần nhiều thời gian và công sức mới có thể viết tiếp được.
18h50 ngày 16/08/2015
Trịnh Hồng Minh
Xem Thêm
- Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 1
- Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 2
- Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 3
- Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 4
- So Sánh Võ Tàu Và Ta
- Tâm Pháp Nhất Nam Kỳ 5
Lưu ý:
Võ sĩ online không sở hữu bản quyền bài viết trên, chúng tôi chỉ tổng hợp lại kiến thức võ thuật qua các bài viết của Võ sư Trịnh Hồng Minh và chia sẻ tới mọi người.
Nếu có bất cứ vấn đề gì về bản quyền xin hãy liên hệ email: lehoang3d@gmail.com. Chúng tôi sẽ xóa bài viết ngay lập tức.
Nguồn bài viết TẠI ĐÂY
Đăng ký FREE kênh Youtube Võ Sĩ Online
Visitor Rating: 5 Stars